Theo tờ L’Express của Pháp, nhiều nguồn tin nhắm được vụ tấn
công đã tình nghi về vai trò của Mỹ. Tờ này phân tích rằng vụ tấn công
xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và nhắm đến êkip
của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Nguồn tin của L’Express cũng cho biết hacker đã tìm được cách
xâm nhập vào hệ thống mạng của êkip này để tấn công những chuyên gia cố
vấn thân cận nhất. Để trèo được tới nấc thang đó, những kẻ tấn công đã
bắt đầu từ Facebook, nhận dạng những người có mối liên hệ ít nhiều với
Sarkozy. Từ đây, chúng bắt đầu gửi email tới những người này, trong
email có chứa đường link dẫn tới một website giả mạo với hình thức y hệt
như trang chủ của Điện Elysee. Sau khi trang này yêu cầu người dùng
đăng nhập username và mật khẩu, các cố vấn viên đã chấp hành và thông
tin của họ lập tức rơi vào tay hacker.
L’Express tiết lộ rất nhiều tài liệu quan trọng vì vậy đã bị
hacker đoạt được, bao gồm cả những "ghi chú tuyệt mật” và kế hoạch chiến
lược của ông Sarkozy.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ lại dính líu đến một vụ tấn công mạng nhằm
vào một trong những đồng minh lâu đời nhất? Các nguồn tin của L’Express
không đề cập đến động cơ vụ việc, nhưng ám chỉ rằng chính phủ Mỹ có thể
đã biết trước ông Sarkozy sẽ thất bại nên muốn kết bạn với chính quyền
mới.
Tất nhiên, những vụ tấn công mạng có sự tài trợ từ cấp chính phủ không
phải là chuyện quá mới. Từ nhiều năm nay, người ta đã đồn rằng Trung
Quốc và Mỹ từng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mạng lưới
quan trọng. Giới thạo tin cũng tình nghi chính Mỹ và Israel đứng đằng
sau vụ virus Flame tấn công các chương trình hạt nhân của Iran. Tuy
nhiên, đây là lần đầu tiên có một bài báo về việc Mỹ tấn công đồng minh
của mình.
Về phần mình, Mỹ đã chính thức bác bỏ các cáo buộc của L’Express.
Đại sứ quán Mỹ tại Pháp khẳng định Pháp luôn là một trong những đồng
minh tốt nhất, và sự hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực tình báo,
tư pháp, bảo mật mạng "luôn khăng khít”.