1. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
"Mọi người thường nói "Phi thương bất phú” nhưng giờ đây, muốn có "thương" (buôn bán, thương mại) thì phải có "tin" (thông tin), nên phải nói là "Phi tin bất phú”".
2- Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng
"Lĩnh vực CNTT những năm qua đưa ra nhiều nghị quyết nhưng thực sự chỉ giống như khẩu hiệu, không biến thành quy định cụ thể nên không đưa vào cuộc sống được. Khái niệm "CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng” vẫn đang chỉ là khẩu hiệu. Các chính sách cần phải được cụ thể hóa hơn trong một loạt nghị định, quyết định của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành”.
3. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT)
"Tại thời điểm 2008 - 2009, khi phát biểu tại Quốc hội, tôi đã khẳng định việc quá nhiều doanh nghiệp được cấp phép là không đúng vì đều là doanh nghiệp Nhà nước nên sẽ gây lãng phí… Cá nhân tôi cho rằng, với 2 doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel, chúng ta có thể giữ lại một doanh nghiệp nhà nước (Viettel) và cổ phần hóa doanh nghiệp còn lại (VNPT). Doanh nghiệp thứ 3 - 4 trên thị trường có thể là các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài. Khi đó, thị trường viễn thông mới thực sự cạnh tranh".
4. TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
"Không thể quyết định cho sáp nhập VinaPhone- MobiFone. Trong bối cảnh hiện nay thì việc cho sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt trong cải cách doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách nhiều khi quên rằng cạnh tranh là máu thịt, là nền tảng của kinh tế thị trường… Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh. Ở lĩnh vực chứng khoán hiện nay cũng vậy, khi nó đi xuống thì các doanh nghiệp chứng khoán kêu gào phải bảo vệ họ. Nhưng chính sách phải bảo vệ áp lực cạnh tranh chứ không phải bảo vệ người chơi".
5. TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
"Tôi cũng lấy làm lạ là người ta có thể dành hàng chục ngàn héc ta để xây dựng các sân gôn haynhững khu đô thị mới, nhưng lại tiếc khi chỉ có 40 héc ta thôi để làm một công viên phần mềm. Nhà nước đầu tư vào đây cũng chỉ bằng số lẻ của chi phí bù lỗ cho xe buýt một năm, thế mà có người vẫn cho rằng không hiệu quả. Như tôi đã từng trả lời tại phiên họp HĐND, nếu 40 héc ta này chúng ta kinh doanh địa ốc, xây một khu đô thị nho nhỏ thì có lẽ chỉ vài ngàn, hay cùng lắm là vài chục ngàn người ở trong nước biết đến. Nhưng khi chúng ta làm phần mềm thì miếng đất này có thương hiệu quốc tế và mọi người biết Việt Nam có công nghiệp phần mềm".
6. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT
"Ngành phần mềm hiện đang phát triển khá thông thoáng, được cạnh tranh thoải mái. Công ty có 5 người hay công ty có 1.000 người đều có thể cạnh tranh và phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng kiểu gì đi nữa mà không có sự tạo điều kiện của thể chế thì cũng rất khó có thể đột phá. Lẽ ra quản lý phải theo kịp sự phát triển song hiện tại, quản lý vẫn chưa theo kịp được sự phát triển".
7. Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty TMA
"Tôi không trông cậy gì vào Bộ Giáo dục & Đào tạo trong vấn đề cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam, nếu đợi đến lúc Bộ giải quyết được vấn đề này thì chúng tôi đã sập tiệm rồi!".
8. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software
"Ba năm gần đây, lượng sinh viên đăng ký thi vào ngành CNTT của các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm. Mức giảm trung bình 10 - 15%/năm. Cách đây 5 năm, điểm đầu vào của ngành CNTT thuộc Top 3 trong tổng số các ngành tuyển sinh. Thế nhưng, giờ đã "rớt” xuống Top 8. Rất nhiều trường đã phải giảm điểm đầu vào xuống dưới điểm sàn. Với hiện trạng này, khoảng 2 năm nữa, ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ phải đối mặt với chuyện giảm chất lượng kỹ sư, cử nhân CNTT ra trường".
9. Ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc FPT
"Cách đây 4 - 5 năm, Viettel đã có tham vọng làm xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, không phải làm giỏi một thứ là có thể làm giỏi mọi thứ khác. FPT học được bài học đó qua cuộc khủng hoảng vừa rồi. Khi kinh tế phát triển cách đây 5 - 7 năm, rất nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng mình cái gì cũng giỏi, có thể nhảy vào làm tài chính, ngân hàng, bất động sản... FPT cũng thấy mình giỏi một số thứ, có những cái mình thực sự có năng lực cạnh tranh và đạt thành quả trong quá khứ. Song cũng có những việc không được như mong muốn chủ quan".
10. Ông Lê Trung Nghĩa, đại diện Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam
"Bộ TT&TT cần ban hành cơ chế bắt buộc cán bộ, công chức Nhà nước phải sử dụng phần mềm nguồn mở, trong đó quy định rõ chế tài đối với những người làm trái hoặc không chịu làm theo cơ chế bắt buộc này. Cụ thể, nếu là Đảng viên thì sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật Đảng - từ phê bình, khiển trách, cảnh cáo tới mức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng tùy mức độ vi phạm và tái phạm; nếu là những người có chức có quyền thì phải chịu các hình thức kỷ luật - từ phê bình, cảnh cáo cho tới yêu cầu phải từ chức tùy mức độ vi phạm và tái phạm; còn với cán bộ, công chức sẽ không xét nâng bậc, nâng lương, đề bạt chức vụ".