Microsoft trước đó đã khuyến cáo về lỗ hổng trình duyệt phần mềm này trong bối cảnh tin tặc đã tấn công trang web Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR).
Trong khi đó, Capstone - một công ty chế tạo máy phát điện công nghệ cao tại Caliphócnia (California) - cũng đã bị chính các tin tặc trên tấn công sau khi các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ tìm được dấu vết giống nhau từ cả 2 trang web của CFR và Capstone.
Trang web FireEye, chuyên về tình báo mạng, cũng xác nhận thông tin trang web của CFR bị xâm nhập vào ngày 26/12/2012 và tiếp tục điều tra việc các phần mềm lén đã được cài trên trang web CFR vào ngày 21 cùng tháng. FireEye cảnh báo rằng phần mềm lén này chọn mục tiêu là người truy cập trang web của các tổ chức ngoại giao hàng đầu khi sử dụng hệ điều hành bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Trước đó, ngày 31/12/2012, bộ phận theo dõi lỗ hổng mạng của DHS cũng đã ban hành một cảnh báo không gian mạng trên toàn quốc. Cơ quan này cảnh báo rằng lỗ hổng trong trình duyệt IE phiên bản 6 đến 8 "cho phép tin tặc từ xa thu thập các thông tin mật cũng như có thể chỉnh sửa và làm gián đoạn dịch vụ".
Tháng 6/2009, ngay sau khi lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy an ninh mạng nhằm đối phó với những nguy cơ tấn công mạng ngày càng tăng nhắm vào các cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng hàng đầu của Mỹ.
DHS cũng đã có kế hoạch thành lập lực lượng dự bị chiến tranh mạng để có thể huy động trong tình huống các hệ thống phòng thủ chiến tranh mạng tuyến đầu của Mỹ bị đánh sập.
Đầu tháng 10/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ phải hứng chịu một "Trân Châu cảng" trên mạng khi các nhóm tin tặc ở nước ngoài đồng loạt tấn công làm tê liệt hệ thống máy tính kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện, nhà máy hóa chất và nguồn nước của Mỹ.
Theo TTXVN